Đăng nhập

MÙA VÀNG THÁNG TÁM

(22/11/2023). Số lượt xem:74

Ai sinh ra và lớn lên ở các triền quê xứ Quảng chắc đã không còn xa lạ đối với mùa lúa tháng tám. Nơi nắng rám quả bưởu, nắng hong vàng hạt lúa để cho bát cơm thơm đầy. Mùa tháng tám cũng lắm đặc trưng hơn mùa tháng ba, nơi có những điều rất riêng mà để những ngày tháng tám cái nắng oi ả cuối hè cũng không vơi đi niềm vui của bồ thóc sắp đầy để chống chọi với mùa mưa lũ chực chờ nơi hiên cửa.

Tháng của hạt lúa chín vàng 

Tháng tám – khi đi qua mùa nắng gắt, hạt lúa cũng trân quý hơn. Bởi lẽ, tháng tám là mùa của những hạt lúa của các chân ruộng ươm nước, còn những chân ruộng nước trời đã trơ huơ gốc rạ từ vụ trước chỉ còn lơ thơ cỏ cho đàn bò, đàn trâu nhởn nhơ gặm.

Cũng vì cánh đồng tháng tám ít hơn hẳn mùa tháng ba cũng vì thế mà ông bà ta quý lắm lúa tháng tám. Còn bởi lẽ mùa tháng ba ươm đầy bồ lúa chỉ dăm tháng sau là đã có thể gặt lại. Còn mùa tháng tám xong thì mùa mưa đằng đẵng, ngót nghét cả nửa năm sau mới có lại hạt lúa, cũng vì thế mà tháng giáp hạt sẽ nhiều nỗi lo hơn. Mùa tháng tám cơn mưa chiều cũng đùng đùng xuất hiện. Có khi đang nắng gắt bỗng mưa dầm dề, cũng vì thế mà phơi lúa tháng tám cũng lắm nỗi nhọc nhằn với người dân quê mình.

Hạt lúa tháng tám gánh nỗi lo cho những ngày mưa bão, vì thế xong vụ mùa, nhà nào thấp lụt lúa thóc phải quang gánh lên gởi ở những nơi cao ráo, lúa tháng tám cũng nhiều công đoạn hơn hẳn.

Chạy thóc

Mùa rơm vàng…

Ai sinh ra, lớn lên ở vùng đồng quê, hẳn không xa lạ gì với cây rơm. Bởi nhà làm nông, nên ở góc vườn luôn có cây rơm. Có lúa là có rơm, một lẽ đương nhiên mà thôi. Mùa rơm thường ở vụ tháng ba, nhưng tháng tám tận dụng những ngày trời nắng nhà nông cũng lo trở rạ để hong khô thành rơm vàng để trữ cho mấy con bò, đàn trâu trong mùa mưa gió. Trước đây mùa rơm tháng tám lắm cơ man nhọc nhằn khi phải canh trở luôn trưa ngoài ruộng. Nay đã đỡ nhọc hơn khi những chiếc xe gặt đập đã dàn rơm đều khắp đám ruộng ngoài đồng. Chỉ độ hai cơn nắng tháng tám đã hong khô cuống rạ. Chỉ cần cuộn lại là có thể chuyển về nhà. Đàn trâu, con bò cũng có thức ăn trưc cho mùa mưa lũ, cũng vì thế mà nỗi nhọc nhằn lo toan cũng vơi bớt trên đôi vai nặng trĩu.

Bữa cơm gạo mới

Thóc lúa đầy bồ, rơm ngoài cây cũng được chất xong thì bữa cơm gạo mới chính thức khép lại vụ mùa tháng tám. Người dân quê gọi đó là bữa cơm lên bờ. Bởi vì sau đó cánh đồng nhường lại cho đàn trâu bò gặm mớ xanh khôn. Người dân được nghỉ lưng chừng 3-4 tháng để rồi mới vào vụ mới. Bữa cơm mới ắp niềm vui khi lúa thóc, rơm rạ đã có trong nhà cho một mùa mưa gió sắp đến. Bữa cơm vơi đi nhọc nhằn canh trời phơi lúa, ì ạch cuốn rơm.

Mùa vàng tháng tám không vắt vẻo cánh diều căng gió như mùa tháng ba bởi lũ trẻ đã vào năm học mới. Nhưng cũng ắp đầy niềm vui với những cảnh bắt châu chấu, hay là tiếng í ới gọi chở lúa về cùng. Tình người nhà nông cũng thắm thiết với việc hò nhau cào lúa chạy cơn mưa rào giữa trưa nắng gắt. Tất cả hun đọng lại trong tâm trí những người nhà nông những niềm vui ngày mùa. Để những đứa con xa quê mỗi khi ngang qua cánh đồng mùa tháng tám là nhớ như in những kí ức vụ mùa, để mùi đốt rơm đồng cũng gợi lại những kí ức nôn nao trong tâm khảm mà bất giác nhớ lại những lúc cào lúa trước cơn mưa hối hả, những buổi cuộn rơm giữa cánh đồng oi ả nắng mà ngập tràn tiếng cười và niềm vui giòn tan trong nắng gió…

Các tin khác:

[Trở về]

Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
ĐĂNG NHẬP
Đăng nhập

UBND xã Sơn Viên - huyện Nông Sơn - Quảng Nam

Địa chỉ : xã Sơn Viên - huyện Nông Sơn - Quảng Nam

Điện thoại: 0235.36502361